William O’Neil là người sáng lập nhật báo Investor’s Business Daily (tiền thân là nhật báo Investor’s Daily đến năm 1988) đồng thời là Chủ tịch công ty liên doanh William O’neil +, một công ty hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu đầu tư và môi giới. Ông được biết đến là một trong những nhà nghiên cứu tinh tường và sâu sắc nhất trên thị trường chứng khoán hiện nay. Phương pháp lựa chọn cổ phiếu CAN SLIM của O’Neil đã đưa ông trở thành người trẻ tuổi nhất có một vị trí ngồi trên sàn chứng khoán New York (NYSE – the New York Stock Exchange) khi mới 30 tuổi. Kể từ đó, CAN SLIM đã được đón nhận rộng rãi bởi các thương nhân và nhà đầu tư chứng khoán thành công trên toàn thế giới. Vào ngày 25 tháng 5 năm 2001, David Penn, phóng viên của tờ Working Money, đã có một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với O’Neil và biết rằng ông đang làm việc rất cần mẫn tại văn phòng ở Los Angeles vào ngày thứ sáu trước Lễ tưởng niệm Chiến sĩ.
“Lịch sử chỉ ra rằng, thời kỳ đầu của một giai đoạn tăng thì ai ai cũng sợ hãi. Luôn là những tin tức kinh khủng, vài người phá sản, sợ hãi, v…v… Điều đó là rất bình thường, ám chỉ rằng thị trường đang kỳ vọng sẽ hồi phục lại một lần nữa.” – William O’Neil
Ông đã tham gia vào thị trường chứng khoán một thời gian khá dài rồi. Tại sao ông lại quyết định bên cạnh việc đầu tư thì việc đào tạo các nhà đầu tư thông qua các phương tiện truyền thông cũng quan trọng không kém, nhất là thông qua nhật báo Investor’s Business Daily. Vậy lý do đằng sau điều này là gì?
Nhật báo Investor’s Business Daily là một sản phẩm hữu ích được tạo ra để hỗ trợ các nhà đầu tư. Nó cung cấp cho họ những thông tin, sự kiện và số liệu, những thứ mà họ chưa bao giờ có thể tiếp cận được. Đa số các tờ báo, kể cả tờ Wall Street Journal, chỉ lấy số liệu bảng biểu của bao gồm giá đóng cửa, cao nhất, thấp nhất mà không thực sự nghiên cứu sâu sắc. Ở IBD, chúng tôi tính toán xem một cố phiếu có đang ở giai đoạn tích lũy hay không, so sánh tương quan trong nhóm ngành, tốc độ tăng trưởng của thu nhập trên một cố phiếu EPS, – tất cả những phép đo lường quan trọng mà bạn không thể tìm thấy ở nơi khác. Hàng nghìn người đã hưởng được lợi ích to lớn từ việc theo dõi tờ Investor’s Business Daily.
Khi bắt đầu xuất bản tờ IBD, có phải ông nhận thấy rằng không có nguồn nào có thể cung cấp những thông tin hữu ích cho nhà đầu tư để họ có thể thu lượm, nghiên cứu và ứng dụng trên thị trường?
Chính xác. Trước đây, một vài nhân vật cấp cao của tôi ở tập đoàn O’Neil + từng phàn nàn rằng, không có nguồn thông tin nào có thể giúp nhà đầu tư chọn được cổ phiếu tốt có thể sinh lời trên thị trường chứng khoán. O’Neil + là một công ty nghiên cứu hoạt động được 35 năm, là đối tác của Ngân hàng Morgan, Quỹ AIM, Fidelity, và hầu hết các định chế lớn trên cả nước. Nhờ vậy chúng tôi có cơ sở dữ liệu khổng lồ với những nghiên cứu đặc thù. Chúng tôi có rất nhiều dữ liệu và đủ kinh nghiệm để có thể chọn lọc thông tin giá trị từ những dữ liệu mà mọi người chưa bao giờ được hưởng lợi. Vì thế chúng tôi lưu những dữ liệu quý giá đó ở IBD. Bạn hoàn toàn có thể tiếp cận với chúng, miễn là bạn hiểu nó chứa những gì và cách sử dụng nó như thế nào.
Xem xét về việc chọn một ấn phẩm tài chính phát hành hằng ngày để đọc và có thể áp dụng được, IBD có vẻ rất dễ dàng tiếp cận và có một sự hiện diện đáng kể trên thị trường.
Vâng, nó trình bày các nghiên cứu trên máy tính, vượt xa so với đọc số liệu thông thường. Bạn cần phải hiểu EPS và Relative Price Strength Ratings là như thế nào và cách sử dụng chúng ra sao. Nhưng chúng tôi đã làm các nghiên cứu trong quá khứ và không đưa bất cứ thứ gì lên mặt báo nếu không biết rằng nó hiệu quả.
Ví dụ như?
Khi chúng tôi tính Relative Price Strength Ratings cho mỗi cổ phiếu trong danh sách, dựa trên mô hình chúng tôi nhận thấy rằng, trong vòng 50 năm qua, mỗi năm trung bình tất cả các cổ phiếu vượt trội so với thị trường đều có Relative Price Strength Ratings ở mức 87 điểm trước khi chúng có một nhịp tăng lớn. Con số 87 này là một phép đo tương đối, từ 1 đến 99, với 99 là mức cao nhất. Nó có nghĩa là năm trước đó cổ phiếu này vượt trội hơn tới 87% so với các cổ phiếu khác và cho thấy tiềm năng của nó. Đó là lý do tại sao chúng tôi sử dụng Relative Price Strength Ratings như vậy. Chúng tôi đã kiểm tra, thử nghiệm và đo lường để viết được điểm cắt là ở đâu. Chúng tôi đưa ra lời khuyên là không mua bất cứ cổ phiếu nào nếu nó không có Relative Price Strength Ratings trên 80 điểm. Sẽ còn tốt hơn nữa nếu như con số là 90 hoặc cao hơn. [Chú thích của tác giả: Theo IBD thì Relative Price Strength Ratings đo lường sự thay đổi trong giá tương đối của một cổ phiếu trong vòng 12 tháng gần nhất, so sánh với tất cả những cổ phiếu khác. Kết quả được đặt trong thang từ 1-99. Những công ty tốt thì sẽ có cả mức thu nhập trên cố phần và Relative Price Strength Ratings từ 80 trở lên.]
Từ khi ông gia nhập thị trường chứng khoán thì đã có những thay đổi nào trong phản ứng của thị trường hoặc phương hướng của các nhà đầu tư?
Không có nhiều sự thay đổi như mọi người nghĩ. Tất nhiên là thị trường ngày càng mở rộng, và các quỹ tương hỗ cũng phát triển chóng mặt. Điều này đã làm tăng hàng tỷ đô vào trong thị trường. Vài năm trước đây, có một lượng tiền lớn sẵn sàng được đầu tư thông qua các quỹ, nên một xu hướng mới phát triển, hướng về phía các cổ phiếu có vốn hóa lớn. Nhưng cái khiến giá cổ phiếu tăng hay giảm, cũng giống như bản chất con người, thì không thay đổi.
Mặc dù càng ngày càng có nhiều người đầu tư vào thị trường chứng khoán nhưng họ vẫn không thế xác định được giá cố phiếu. Có thể có nhiều biến động giống sự bùng nổ công nghệ cao thì các đặc điểm cơ bản vẫn như cũ, giống như 20-30 năm trước. Vẫn là các định chế lớn định giá cổ phiếu. Đó là nguồn cung và cầu rất lớn. Ví dụ, nếu một công ty giới thiệu một sản phẩm bán chạy, thu nhập của họ sẽ tăng và tình hình trên biểu đồ sẽ chuyển biến tốt hơn. Khi đó, các định chế sẽ không thể không can thiệp. Họ sẽ gia nhập và mua một lượng cổ phiếu lớn và giá sẽ tăng trở lại.
Hệ thống CAN SLIM mà ông phát triển đã thu hút được rất nhiều sự chú ý và quan tâm. Nhiều người nói rằng họ rất thích hệ thống này nhưng vẫn hoài nghi không biết nó có còn hiệu quả không. Ông trả lời thế nào về vấn đề này?
CAN SLIM sẽ vẫn hiệu quả, có thể là cho rất nhiều năm. Hệ thống CAN SLIM chỉ dựa trên mô hình của những cổ phiếu thành công và biểu hiện của chúng mỗi năm. Chúng tôi nghiên cứu những chứng khoán từ năm 1953 và kết quả là năm nào cũng như nhau. Cổ phiếu thông thường có một đặc điểm chung trước khi chúng có một biến động mạnh về giá. Đặc điểm của những cổ phiếu thành công này được nghiên cứu dựa trên lịch sử tự nhiên của thị trường và chúng không thay đổi nhiều theo thời gian. Luôn có sự tăng lên trong thu nhập và doanh số, có lợi nhuận, phản ứng giá tương đối và sự can thiệp của các định chế làm giá cổ phiếu tăng lên.
Tuy nhiên, không may là rất nhiều người không chú ý đến các phương pháp và cách tiếp cận này. Nhưng những ai đã và đang sử dụng hệ thống một thời gian thì sẽ hiểu nó hiệu quả như thế nào. Họ sẽ cố làm theo, gắn bó với hệ thống chặt chẽ nhất có thể, bởi vì họ thấy rõ những lợi ích đáng kể mà nó mang lại.
Có một điều mà tôi bị thu hút bởi CAN SLIM đó là, nó giống như sự pha trộn giữa phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật. Đây liệu có phải là một sự pha trộn có mục đích? Hay chỉ đơn thuần là cách ông nhìn nhận thị trường?
Chúng tôi xây dựng mô hình cho mỗi cố phiếu mà có biến động lớn, và xem xét tất cả những đặc điểm – cả cơ bản và kỹ thuật – của chúng trước khi chúng biến động giá từ 5 đến 10 lần. Chúng tôi nhận thấy rằng trong hầu hết các trường hợp, thu nhập và doanh số đều tăng lên. Không chỉ những biến số này tăng lên mà cổ phiếu cũng trở nên hấp dẫn hơn và các công ty phát hành sẽ trở thành những công ty hàng đầu. Chúng tôi tìm thấy ở những cổ phiếu này sự kết hợp của 10-15 phép đo phân tích kỹ thuật và 10-15 phép đo phân tích cơ bản.
Làm theo phương pháp CAN SLIM là bạn đang đầu tư trên cơ sở cách thị trường hoạt động chứ không phải theo suy nghĩ chủ quan của con người. Khi xây dựng mô hình, chúng tôi nhận thấy rằng tỉ lệ giữa giá và thu nhập (P/E) không hề có ảnh hưởng. Mọi nhà đầu tư trên Phố Wall đều đầu tư dựa trên tỉ số P/E này. Nếu một cổ phiếu có tỉ số P/E thấp thì được đánh giá là có giá trị, và ngược lại nếu tỉ số P/E quá cao thì cổ phiếu đó không còn giá trị và bạn nên bán nó ra. Mô hình của chúng tôi chỉ ra rằng thực tế không phải như vậy. Rất nhiều cổ phiếu bắt đầu ở mức giá 30, 40, 50 thậm chí là 100 lần lợi nhuận. Sau đó tỉ lệ P/E tăng lên tới 130% và cổ phiếu đó biến động mạnh. Nếu chỉ tập trung vào những cổ phiếu với tỉ lệ P/E thấp như rất nhiều người, bạn chắc chắn đã bỏ lỡ mọi cổ phiếu tốt nhất trên thị trường vào những năm 1953! Nó còn phụ thuộc vào những biến số khác như mức gia tăng thu nhập, doanh số và lợi nhuận. Chúng tôi coi tỷ lệ P/E chỉ biểu thị cổ phiếu đó nên ở đâu vào từng thời điểm. Chúng tôi đã mua cổ phiếu American Online (AOL) ở mức giá 100 lần thu nhập, và bán nó ra khi chỉ số P/E ở mức 400 lần.
Liệu có phải ông đang làm theo một mô hình khá cứng nhắc không?
Chúng tôi nghiên cứu thị trường ở cả quá khứ và hiện tại. Chúng tôi không nghe theo những ý kiến hoặc phân tích chủ quan theo kiểu một cổ phiếu được đánh giá là quá cao, quá thấp, hay là nên mua. Khi mà CISCO bắt đầu giảm giá năm ngoái, nhiều người cho rằng đó là một cổ phiếu đáng mua, và thậm chí nên mua nhiều hơn khi nó mất thêm 10 điểm. Nhà đầu tư nào làm theo suy nghĩ này chắc hẳn sẽ mất sạch tài sản. Đó là lối đầu tư dựa theo ý kiến chủ quan, không theo mô hình đã được xây dựng trên thực tế vận hành của thị trường.
Hệ thống CAN SLIM có hiệu quả bởi vì nó không bị ảnh hưởng bởi ý kiến cá nhân của chúng ta hay là của các nhà đầu tư ở phố Wall. Chúng tôi xây dựng mô hình mỗi năm cho từng cổ phiếu có triển vọng giá 100%, 200% hay 300%. Nhìn lại giai đoạn 50 năm cho mỗi cổ phiếu, chúng tôi nghiên cứu tất cả những biểu hiện trước khi chúng biến động mạnh. Mô hình của chúng tôi chỉ ra rằng, một cổ phiếu vượt trội trên thị trường theo chiều giá lên (Bull Market) có thể có một bước tiến triển vượt bậc, nhưng trong thị trường theo chiều giá xuống (Bear Market) thì chính cổ phiếu đó có thể là chứng khoán tụt giá nhanh nhất. Chúng tôi cũng quan sát những đặc điểm đó thay đổi như thế nào khi giá cổ phiếu bắt đầu lên đến đỉnh. Tất cả ảnh hưởng bởi quy luật cung cầu trên thị trường.
Làm thế nào để ông có thể xác định được cổ phiếu nào sẽ trở thành cố phiếu vượt trội trên thị trường Bull Market?
Trong cuốn 24 Bài học thiết yếu để đầu tư thành công của tôi, chúng tôi có một danh sách các quy tắc mua cổ phiếu được xuất phát từ mô hình. Các nghiên cứu cho thấy, cổ phiếu phải có mức thu nhập và doanh số tăng với tốc độ nhất định và mức lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu trên 17%; chúng phải nằm ngoài vùng cơ sở trên biểu đồ, có cầu lớn, và là một cổ phiếu định chế chất lượng cao.
Hơn một nửa trong số các chứng khoán tăng trưởng thì trở thành cổ phiếu vượt trội dẫn đầu thị trường sau một cuộc chạy đua. Khi tỷ lệ đà tăng trưởng ở mức cao làm tăng giá cổ phiếu đến 50% trong vòng 2 tuần sau nhiều tháng liên tục tăng, hiện tượng này được gọi là đỉnh điểm của cao trào. Khi đó, chúng ta hầu như đều bán cổ phiếu ra.
Cả hai chứng khoán mà chúng tôi đang giữ, AOL và Charles Schwab (SCH), đều lên đỉnh theo cách này. Chúng tăng trong suốt 7-8 tháng và đột ngột tăng tốc trong giai đoạn chỉ 2-3 tuần. Chúng tôi đã thu được rất nhiều tiền, bởi vì phương pháp của chúng tôi là xác định được công ty nào có sự tăng trưởng trong thu nhập, doanh số, lợi nhuận và vốn chủ sở hữu. Chúng tôi bán chúng ra vào đầu năm 2000 khi mà dấu hiệu bán ra đã xuất hiện.
Trong những năm 1998 và 1999, thị trường chứng khoán cực kỳ khả quan. Ông nghĩ gì về giai đoạn tăng trưởng vượt bậc mà không có lí do này?
Chúng ta đang ở trong thời đại bùng nổ công nghệ, với Internet, mạng nội bộ, máy tính, và nhiều kỹ thuật công nghệ khác trên thị trường chứng khoán. Sự tăng trưởng đáng kể vào tháng 3 năm 2000 cùng với nhiều chứng khoán đạt đỉnh. Chúng tôi áp dụng những quy luật dựa trên cách mà những cổ phiếu vượt trội trên thị trường đạt đỉnh trong quá khứ. Nếu thấy hiện tượng tương tự, chúng ta sẽ bán ra. Phân tích thị trường không phải là về dự báo trước nó sẽ như thế nào, mà là làm theo những quy luật dựa trên tiền lệ. Xin được nhấn mạnh một lần nữa là chúng tôi chú trọng vào quy luật thực tế hơn là ý kiến cá nhân. Chúng tôi không nghe theo ý kiến phân tích của bất cứ ai, chúng tôi chỉ làm việc với thực tế mà thôi.
Chúng ta phải biết rằng có những giai đoạn thuận lợi và ngược lại. Phải xác định được thời điểm thuận lợi này, đầu tư vào cổ phiếu tốt nhất của công ty tốt nhất. Và cũng phải biết được đâu là kết thúc của giai đoạn thuận lợi đó để kết thúc đầu tư.
Hãy nói một chút về biểu đồ. Ông đã góp phần giới thiệu khái niệm mô hình biểu đồ “cup with handle”. Theo ông các mẫu biểu đồ và cách đọc biểu đồ nói chung là như thế nào? Chúng tác động như thế nào đến chiến lược của một cá nhân?
Tất cả mọi người đều nên học cách đọc biểu đồ. Có thể tốn một chút thời gian nhưng nếu biết đọc biểu đồ một cách chính xác thì bạn có thể biết một chứng khoán đang biểu hiện như thế nào. Nói cách khác, bạn nên có khả năng nhận ra một cổ phiếu có đang được tích lũy hay không, các nhà đầu tư chuyên nghiệp có mua nó không, hoặc nó có đang được phân phối (bán ra) nhiều hay không. Người biết đọc biểu đồ có thể loại bỏ được 9/10 cổ phiếu không có giá trị và chỉ tập trung vào số ít chứng khoán có những biểu hiện tích cực mà thôi.
Ông còn có thể dùng việc đọc biểu đồ vào việc gì khác nữa không?
Nó cũng có thể tiết kiệm đáng kể thời gian cho bạn. Có những khi một cổ phiếu sẽ tiến triển theo ý muốn của bạn và không ít lần là ngược lại. Vì thế người biết đọc biểu đồ sẽ có lợi thế rất lớn.
Thế thì đội ngũ của ông có được gọi là những chuyên gia về biểu đồ?
Không hẳn. Chúng tôi bắt đầu bằng cách nhìn vào những nhân tố cơ bản như tăng trưởng lợi nhuận, tăng trưởng doanh thu, vốn chủ sở hữu và lợi nhuận. Chúng tôi cũng quan sát xem công ty có nằm trong một tập đoàn lớn mạnh hay không, có sản phẩm mới không, công ty có đang giành được thị phần không, và cả chất lượng công tác quản lý của công ty. Một khi chúng ta xác định được các cổ phiếu mạnh dựa trên các tiêu chí cơ bản này, chúng ta xác định trên bảng biểu đâu là thời điểm mua hoặc bán. Bằng cách kết hợp những thao tác này lại với nhau, xác suất thành công của bạn sẽ lớn hơn nhiều. Một khi tìm hiểu tất cả những kỹ thuật này, bạn có thể đạt được mức thành công 100% hoặc 200% trong thị trường Bull Market. Nhưng tất nhiên, người mới bắt đầu chưa thể mong đợi đạt được điều đó.
Mục “Where The Big Money’s Flowing?” trong từng số IBD đề cập đến nhiều yếu tố, nhưng rõ ràng là một trong những yếu tố được nhấn mạnh là lượng mua. Ông từng đề cập đến lượng mua từ các định chế như là một yếu tố chính làm biến động thị trường. Làm thế nào để một yếu tố như lượng mua góp phần trong việc xác định giá cổ phiếu?
Hầu hết mọi người nhìn vào giá cổ phiếu của họ mà không quan tâm nhiều đến số lượng. Nhưng số lượng cũng là một thành phần rất quan trọng của lượng cung và cầu. Khi sở hữu số lượng lớn một loại cổ phiếu, bạn sẽ thấy số lượng đó liên quan như thế nào. Vì vậy, chúng tôi xem xét số lượng rất cẩn thận. Nó cũng có thể cho bạn biết khi nào một cổ phiếu bắt đầu tăng giá.
Cụ thể là như thế nào?
Bạn phải cố gắng để xác định mối quan hệ giữa giá và số lượng. Khi một cổ phiếu tăng giá lên đến đỉnh, số lượng bắt đầu tác động đến nó. Nhưng để nhìn thấy được mối quan hệ này, bạn phải có các mô hình vài năm trước và phân tích mối quan hệ giữa giá và số lượng trong thời kỳ các cổ phiếu lên đến đỉnh. Tôi có thể đưa ra một ví dụ của giai đoạn cao trào, đó là cách chung mà rất nhiều cổ phiếu lên đến đỉnh. Khi thấy điều này xảy ra, bạn cần phải bán cổ phần đi. Những người không nhận thức được giai đoạn cao trào này hoặc không sử dụng biểu đồ sẽ lỡ mất cơ hội. Họ sẽ bị thua lỗ, bởi vì hầu như những cổ phiếu này sẽ tụt giá và suy giảm đáng kể.
Nhiều nhà đầu tư bị thiệt hại đáng kể – tầm 30% hoặc hơn – khi thị trường suy giảm nghiêm trọng. Quy tắc nào nhà đầu tư nên sử dụng để bảo vệ mình khỏi những tổn thất này?
Mọi người chỉ cần làm theo quy luật 8% khi bán ra của chúng tôi, quy tắc đơn giản mà chúng tôi đã đề cập mỗi tháng trong 20 năm qua – nếu bạn bắt đầu nhầm lẫn và sau đó thấy cổ phiếu xuống 8% mà bán ra ngay – thì họ đã có thể cứu được hầu hết thua lỗ vào năm 2000.Rất nhiều người bị mất nhiều hơn 30%. Lý do đằng sau những khoản lỗ lớn trên thực tế là không ai muốn chịu thua lỗ. Đó là bản chất con người – phủ nhận và hy vọng. Nếu giá của một cổ phiếu mà họ sở hữu đi xuống, họ sẽ hy vọng nó tăng trở lại. Họ không nghĩ rằng giá có thể đi xuống thấp hơn rất nhiều, bởi vì họ không nhận ra mức độ tồi tệ của tình hình. Và khi nó trở nên tệ hơn, họ không muốn bán vì sợ thua lỗ của họ sẽ cao hơn rất nhiều. Cảm xúc con người rất có tác động trong thị trường chứng khoán.
Bài viết: “William O’neil – Thị trường chứng khoán không hề thay đổi hàng trăm năm qua” – Da Vinci
Bạn quan tâm: học đầu tư chứng khoán, học chơi chứng khoán, học chứng khoán cơ bản, khóa học chứng khoán