Sinh trưởng trong một gia đình gốc Do Thái, cậu bé Simons đam mê Toán học từ khi còn nhỏ. Lớn lên, ông trở thành học giả nổi tiếng trong lĩnh vực Toán học. Một trong số những thành tựu vô cùng tự hào của Simons chính là tấm bằng Cử nhân Toán học của Viện Công nghệ Massachusetts và PHD từ Berkeley.
Tỷ phú tài chính James Simons từng là nhà đồng sáng lập của thuyết Chern-Simons
Năm 1982, ông gây dựng quỹ Renaissance Technologies’ Medallion và quản lý nguồn vốn khổng lồ vào thời điểm đó, trên 20 tỷ USD. Nếu như trước đó nhiều người trầm trồ với mức sinh lời ổn định khoảng 20%/năm từ quỹ đầu tư Berkshire Hathaway của Warren Buffett thì đối với quỹ Renaissance Technologies’ Medallion, con số này cũng chỉ xếp vào “hạng xoàng”.
Trừ hai năm đầu “chệch choạch” do mô hình hoạt động chưa thực sự hiệu quả, khi quỹ đi vào ổn định thì mức sinh lời thấp nhất là 21,2%, thậm chí có những năm mức sinh lời còn lên tới 100%. Các chuyên gia đã ước tính rằng, nếu bỏ 1.000 USD vào quỹ ở năm 1998 thì đến giữa năm 2016, số tiền này sẽ lên tới 13.830.598 USD – tức là tăng gấp 13,830 lần, tương đương tỷ suất lợi nhuận trung bình hàng năm khoảng 40%.
Đáng chú ý hơn, khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu lan rộng khắp thế giới, nhiều doanh nghiệp, ngân hàng phá sản; nhiều quỹ đầu tư lỗ lên tới hơn 50% và phải đóng cửa thì quỹ Medallion vẫn “bình chân như vại”. Thậm chí, quỹ này còn đạt mức lợi nhuận khủng khiếp lên tới 85,9% vào năm 2007 và 98,2% vào năm 2008.
Chỉ sau 30 năm thành lập, lợi nhuận của quỹ đã đạt hơn 55 tỷ USD nhưng bí mật thành công của Simons đến nay vẫn là dấu chấm hỏi đối với thế giới. Bản thân James Simons cùng từng nói rằng: “Bí mật hoạt động trong quỹ của tôi thậm chí còn lớn hơn bí mật hoạt động ở nơi mà tôi từng làm việc cho Chính phủ”.
Renaissance Technologies (RenTec) đã được mô tả là giống như một “chiếc bể” hội tụ những tư duy mạnh mẽ về toán học và khoa học. Simons thường tránh thuê những “cựu chiến binh” trên Phố Wall mà thay vào đó, đứng đằng sau thành công của cỗ máy kiếm tiền lừng lẫy đó là những tiến sĩ Toán học và Vật lý. Họ là những bộ óc thiên tài trong phân tích lượng tử và mô hình hoá số liệu thống kê. Bản thân Simons cũng được mệnh danh “Quant King” (Vua lượng tử).
Renaissance Technologies’ Medallion – Nơi hội tụ tinh anh ngành toán học
Quỹ đầu cơ của ông hiện tại thu 5% phí cố định và 44% lợi nhuận – cao nhất thế giới (thông thường các quỹ chỉ lấy 2% phí cố định và 20% lợi nhuận).
Mặc dù kêu ca về mức phí đắt đỏ, nhưng rất nhiều nhà đầu tư vẫn sẵn sàng bỏ tiền ra vì tỷ suất sinh lời quá tốt của quỹ. Mặc dù tỷ suất sinh lời có biến động tương đối lớn nhưng mức “sàn” lợi nhuận luôn duy trì ở mức trên 20% và xác suất thua lỗ theo chu kỳ 5 năm của quỹ chỉ là 0,5%.
Nổi tiếng với cách đầu tư bình tĩnh và luôn giữ được “cái đầu lạnh”, đến năm 2020, James Simons sở hữu khối tài sản cá nhân lên tới 21,6 tỷ USD và đứng thứ 36 trong Bảng xếp hạng 400 người giàu nhất thế giới của Forbes.
Dù được mệnh danh là “Vua lượng tử” song cũng có lúc, Simons cũng từng bị cảm xúc chi phối trên thị trường.
Cuối năm 2018, khi Simons cùng vợ đang tận hưởng kỳ nghỉ dưỡng tại California, thị trường chứng kiến đợt bán tháo chưa từng có. Thấy con số màu đỏ “liên tục” nhấp nháy trên màn hình, ông lập tức gọi điện về cho các cộng sự ở Renaissance và hỏi rằng liệu có nên bán hết hay không? Tuy nhiên, cuối cùng họ đã quyết định bỏ qua cảm xúc.
Với Simons, bí quyết thành công của “cỗ máy kiếm tiền” thành công nhất Phố Wall chính là không đưa ra bất cứ nhận định nào về giá cả cổ phiếu và thị trường. “Máy móc có quan điểm riêng của nó và việc của chúng tôi là tuân theo quan điểm của máy móc một cách thuần tuý”, James Simons khẳng định.
Thanh Trâm (tổng hợp)